1. Các tình huống có thể khiến chúng
ta trở nên thông minh hơn.
Nhưng
chúng cũng có thể ức chế sự thông minh của chúng ta.
Hoàn
cảnh có thể đến từ bên trong hoặc đến từ bên ngoài. Chúng có thể ngắn ngủi và tạm
thời, hoặc liên tục và kéo dài. Chúng có thể biến đổi đa dạng như những tình huống
nhờ đó chúng ta học hỏi, những tình huống tỏ ra phổ biến trong lớp học hoặc nơi
làm việc, hay những tình huống do một nhóm đồng nghiệp (bạn cùng lớp) tạo ra.
Chúng có thể là những trạng thái thể chất mà những người học hỏi trải nghiệm
thông qua những áp lực phải chịu đựng, thời gian ngủ, thời gian tập thể dục, và
những trạng thái tinh thần mà những người học hỏi tự tạo ra thông qua mức độ
chuyên môn và tập trung, và động cơ mà họ có thể đạt được.
Trí
thông minh phát sinh từ hoàn cảnh, nói cách khác, là một loại trí thông minh duy nhất mà
chúng ta có được – bởi vì chúng ta luôn nảy ra những ý tưởng khi gặp phải một
tình huống nào đó.
Ở một khía cạnh thì đây là điều hiển nhiên, nhưng ở khía cạnh khác
thì đó lại là điều tương đối cực đoan. Từ
những giai đoạn ban đầu, nghiên cứu về trí thông minh nhấn mạnh vào những đặc
tính cố định vốn có của nó, được xác định chủ yếu bởi đặc điểm bẩm sinh của một
cá nhân. Đây là quan điểm của Lewis Terman,
tác giả của phương pháp kiểm tra trí thông minh hiện đại, ông đã sử dụng khái
niệm về trí thông minh cố định để xác định và trau dồi cho các trẻ em được xem
là “tài năng”. Vì vậy, để khẳng định rằng trí thông minh là một sản phẩm của những
tình huống mà chúng ta tìm thấy chính mình trong một cuộc hành trình, và nó
không chỉ là cách thức khoa học định tính khả năng của con người theo cách truyền
thống, nhưng từ cách thức mà nhiều người trong chúng ta nghĩ về khả năng ở thời
đại ngày nay.
2. Niềm tin có thể làm cho chúng ta
thông minh hơn.
Đây
là một nhánh của quan điểm thứ 1 ở trên. Nhà tâm lý học Carol Dweck của trường
Đại Học Stanford phân biệt hai loại tư duy: tư duy cố định, hay niềm tin cho rằng
khả năng con người là cố định và không thay đổi, và tư duy phát triển, hoặc niềm
tin cho rằng những khả năng của con người có thể được phát triển thông qua học
hỏi và thực hành.
Những
niềm tin này quan trọng vì chúng ảnh hưởng đến cách chúng ta nghĩ về những khả
năng riêng của chính mình, cách chúng ta nhận thức về thế giới xung quanh, và
cách chúng ta hành xử khi đối mặt với thách thức. Nhà
tâm lý học David Yeager, cũng thuộc trường Đại Học Stanford, ghi nhận rằng tư
duy của chúng ta tạo ra “thế giới tâm lý” ở nơi chúng ta đang sống một cách hiệu
quả. Niềm tin của chúng ta, cho dù chúng xoay quanh những giới hạn hay xung
quanh sự phát triển, bao gồm một trong những tình huống bên trong này mà có thể
ức chế hay kích thích trí thông minh.
3. Khả năng chuyên môn có thể làm
cho chúng ta thông minh hơn.
Một
hướng nghiên cứu mạnh bên trong ngành khoa học nghiên cứu khả năng học hỏi quan
tâm đến tâm lý học của khả năng chuyên môn: điều gì diễn ra trong đầu của một
chuyên gia. Điều mà các nhà nghiên cứu tìm thấy rằng các chuyên gia không những
biết nhiều hơn mà họ còn hiểu biết một cách khác biệt, theo những cách thức cho
phép họ suy nghĩ và hành động đặc biệt thông minh trong phạm vi chuyên môn của
họ.
Kiến
thức của một nhà chuyên môn thì luôn sâu sắc, không nông cạn hay thiển cận, hiệu
quả, bao quanh cốt lõi của các nguyên tắc trung tâm, nó mang tính tự động,
nghĩa là được đưa vào hệ thống thần kinh và hoạt động mà ít cần đến sự vận dụng
ý thức, nó linh hoạt và có thể chuyển sang những tình huống mới; nó có tính tự
ý thức, có ý nghĩa là một nhà chuyên môn có thể đánh giá đúng về tư duy của
riêng họ. Dĩ nhiên, khả năng chuyên môn cần một thời gian dài để phát triển,
nhưng không bao giờ là quá sớm hay quá trễ để đi sâu vào đề tài có thể gây hứng
thú cho chúng ta.
4. Sự tập trung có thể khiến chúng
ta thông minh hơn.
Bạn
có thể đã nghe nói về “thử nghiệm kẹo dẻo - marshmallow test”, một thí nghiệm nổi tiếng của
nhà tâm lý học Walter Mischel được thực hiện vào những năm cuối thập niên 1960.
Tiến sĩ Mischel đã tìm thấy rằng những trẻ em có thể chống lại cám dỗ ăn một
viên kẹo dẻo để đổi lại sự hứa hẹn sẽ nhận được 2 viên kẹo dẻo sau đó có khuynh
hướng học tập tốt hơn ở trường và thành công hơn trong nghề nghiệp.
Và
có một thử nghiệm kẹo dẻo mới mà chúng ta bây giờ phải đối diện mỗi ngày: đó là
khả năng kiềm chế sự thôi thúc kiểm tra email hoặc trả lời tin nhắn, sự thôi
thúc muốn xem những gì đang xảy ra trên facebook hoặc Twitter. Tất cả chúng ta
đều đã được nghe rằng “những người sinh ra trong thời kỳ kỹ thuật số - digital
natives” trưởng thành với khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc và vì thế
trở nên xuất sắc về khả năng đó nhưng vấn đề ở chỗ là có những bế tắc trong việc
xử lý thông tin trong não của tất cả chúng ta – ngăn cản chúng ta tập trung sự
chú ý vào hai vấn đề cùng lúc. Trạng thái tập trung chú ý là một tình huống bên
trong rất quan trọng mà chúng ta phải trau dồi để biểu lộ sự thông minh một
cách trọn vẹn.
5. Cảm xúc có thể làm cho chúng ta
thông minh hơn.
Thỉnh
thoảng chúng ta thốt lên những cảm xúc trong lúc chúng ta nói về thành công
trong học vấn, nhưng trạng thái cảm xúc của chúng ta đại diện cho một tình huống
quan trọng bên trong mà nó ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ và hành động một
cách thông minh.
Ví
dụ, khi chúng ta ở trạng thái phấn khích, thì chúng ta có khuynh hướng suy nghĩ
một cách cởi mở và sáng tạo hơn. Khi chúng ta cảm thấy lo lắng – ví dụ như khi
chúng ta chuẩn bị cho một bài thi toán đáng sợ – thì tình trạng lo lắng đó sẽ sử
dụng một phần bộ nhớ đang hoạt động mà chúng ta cần đến để xử lý vấn đề, chừa lại
cho một phần nhỏ trí thông minh để chúng ta làm bài thi.
Nhưng
cảm xúc không làm việc một cách đơn độc. Các nhà nghiên cứu tìm thấy rằng cảm
giác hy vọng làm cho chúng ta cố gắng nhiều hơn và kiên trì lâu hơn – nhưng chỉ
khi nó được kết hợp với những kế hoạch thực tiễn để đạt được các mục tiêu của
chúng ta – và đây là phần lý thú – những hành động cụ thể mà chúng ta sẽ thực
hiện vào thời điểm và nếu như mà những kế hoạch ban đầu của chúng ta không
thành công như mong đợi.
6. Khoa học kỹ thuật có thể giúp
chúng ta thông minh hơn.
Có
một hướng nghiên cứu lý thú trong môn triết học và khoa học nhận thức về khái
niệm mở rộng trí tuệ (extended mind). Đây là quan điểm cho rằng trí tuệ
không dừng lại ở hộp sọ – cho rằng nó vươn ra và kết nối cơ thể chúng ta, các
công cụ của chúng ta, thậm chí cả những người khác, để sử dụng trong suy nghĩ của
chúng ta.
Các
nghiên cứu chụp lướt não đã tìm thấy rằng khi chúng ta sử dụng một dụng cụ, ví
dụ như cái cào cỏ (rake)
mà chúng ta dùng để chạm đến một vật nằm ngoài tầm tay của chúng ta, thì não bộ
của chúng ta thực sự chỉ định các tế bào thần kinh hình dung đầu cái cào như
các ngón tay của chúng ta. Trí tuệ con người đã tiến hóa để làm cho các công cụ
– bao gồm cả những thiết bị kỹ thuật – mở rộng phạm vi hoạt động của chính nó.
Vấn
đề ở chỗ là những thiết bị này thường làm cho chúng ta trở nên ngu ngốc hơn
thay vì thông minh hơn. Tôi đã gián tiếp nhắc đến cách thức mà khoa học kỹ thuật
có thể phân tán sự chú ý chúng ta, tạo ra kỹ năng học hỏi không đồng nhất, nông
cạn hơn, và ít linh động hơn so với kỹ năng học hỏi dưới các điều kiện tập
trung sự chú ý một cách trọn vẹn. Khoa học kỹ thuật cũng có thể làm cho chúng
ta trở nên kém thông minh hơn khi chúng ta cho phép những kỹ năng quan trọng giảm
đi hiệu năng khi không được sử dụng, hoặc không phát triển các kỹ năng này vào
lúc bắt đầu.
7. Cơ thể của chúng ta có thể làm
chúng ta thông minh hơn.
Kể
từ cuộc cách mạng khoa học nhận thức vào thập niên 1970, thì biểu tượng nổi bật
cho bộ não chính là máy vi tính (máy điện toán): một cỗ máy xử lý những ký hiệu
trừu tượng. Nhưng khoa học nghiên cứu khả năng học hỏi đang chứng minh rằng nó
có thể chính xác hơn khi so sánh bộ não với trái tim. Tất cả những yếu tố làm
cho trái tim hoạt động tốt hơn – dinh dưỡng tốt, ngủ đủ, tập thể dục thường
xuyên, ít bị căng thẳng – cũng làm cho bộ não làm việc tốt hơn.
Lấy
ví dụ yếu tố ngủ, hãy ngủ đủ giấc, vì đa số chúng ta đều bị thiếu ngủ. Chúng ta
thường không nhận ra rằng giấc ngủ thực sự là một phần quan trọng của quá trình
học hỏi. Trong giấc ngủ, não ôn lại những ký ức được hình thành trong thời gian
tỉnh thức – có nghĩa là nó phân loại những ký ức đó, đánh thức những ký ức ít
quan trọng, thúc đẩy những ký ức quan trọng, và kết nối những ký ức mới này với
những cấu trúc ký ức có sẵn trong não.
8. Các mối quan hệ có thể khiến
chúng ta thông minh hơn.
Như đã đề cập ở trên rằng trí tuệ con người tỏ ra rất thông thạo
trong việc điều khiển cơ thể, các công cụ, và thậm chí cả những người khác để sử
dụng như những công cụ cho sự suy nghĩ của chính mình. Nếu bạn từng có bạn đời
hay ai đó quan trọng trong cuộc đời, thì bạn sẽ có kinh nghiệm này: cũng giống
như, một người trong số bạn “có nhiệm vụ” nhớ khi nào xe cần phải được kiểm
tra, trong khi đó, người khác có nhiệm vụ ghi nhớ ngày sinh nhật của những người
thân trong gia đình. Khái niệm này được gọi là trí nhớ thỏa thuận (transactive
memory), và nó chỉ là một trong những cách mà các mối quan hệ với người
khác có thể làm cho chúng ta thông minh hơn so với khi chúng ta sống đơn độc.
“Để
chinh phục kẻ thù mà không cần đến vũ lực là kỹ năng điêu luyện nhất”.
─ Gichin Funakoshi, cha đẻ của môn võ Không Thủ Đạo (Karate) hiện đại
─ Gichin Funakoshi, cha đẻ của môn võ Không Thủ Đạo (Karate) hiện đại
“Người Trung Hoa gọi
nó là Chi; người Nhật Bản gọi là Ki; người Ấn Độ gọi là Prana – nó là năng lực
của cuộc sống, và nó vô cùng mạnh mẽ ... người ta không thể giải thích nó một
cách đầy đủ, ngoại trừ đối với những người đã từng có kinh nghiệm về nó, nhưng
nó là một trong số rất ít các kỳ tích có thể thực hiện bằng ý chí”.
─ Kareem Abdul-Jabbar, mô tả cách vận dụng sức mạnh nội tâm
─ Kareem Abdul-Jabbar, mô tả cách vận dụng sức mạnh nội tâm
“Tao”,
khái niệm của người Trung Hoa cổ đại về “con đường”, có thể được hiểu là sự điều
khiển và xuôi theo năng lực cuộc sống (“Chi”) của bản thân để bạn cảm nghiệm được
sự điềm tĩnh và bình thản trong nội tâm, cùng lúc phát ra bên ngoài một sức mạnh
uyển chuyển nhưng hiệu quả.
Dưới
đây là năm phương pháp mà bạn có thể áp dụng triết lý Lão giáo để đối mặt với
những người khó chịu. Hãy nhớ rằng đây là những quy tắc chung, và không phải tất
cả những lời khuyên đều có thể áp dụng cho từng tình huống cụ thể của bạn. Chỉ
sử dụng phương pháp mang lại hiệu quả và bỏ qua những phương pháp còn lại.
1. Đổ cạn ly – Hãy
trút bỏ những cảm xúc tiêu cực và giữ bình tĩnh
“Giữ trạng thái vô
ngã (emptiness) từ lúc khởi đầu… hãy trút bỏ những định kiến và nhận định cố hữu
đồng thời giữ thái độ trung lập. Bạn có biết tại sao chiếc cốc này lại hữu dụng
không? Bởi vì nó không chứa gì cả”.
─
Lý Tiểu Long, triết gia và người sáng lập võ phái Triệt Quyền Đạo (Jeet Kune
Do).
Thật
dễ dàng để một người khó ưa làm cho bạn buồn và phá hỏng một ngày của bạn. Bạn
có thể cảm thấy giận dữ,đau khổ và bị mất thăng bằng trong nội tâm. Quy tắc đầu
tiên để đối mặt với một người vô lý như vậy là bạn hãy nên giữ bình tĩnh. Bạn
càng ít phản ứng, thì bạn càng biết sử dụng những quyết định khôn ngoan hơn nhằm
ứng phó với thách đố đó.
Khi
bạn giận dữ hay cảm thấy bực bội ai đó, thì trước khi nói điều gì đó mà có thể
sau này bạn sẽ hối tiếc, hãy hít thật sâu và đếm đến mười. Trong đa số tình huống, vào thời điểm bạn đếm
10, bạn sẽ tìm ra được cách tốt hơn để giải quyết vấn đề, nhờ đó bạn có thể giảm
nhẹ được vấn đề thay vì làm cho nó nghiêm trọng hơn. Nếu bạn vẫn còn bực bội
sau khi đếm đến 10, nếu có thể, tạm thời đừng nghĩ về vấn đề đó, rồi quay trở lại
sau khi bạn lấy lại được bình tĩnh. Bằng cách duy trì khả năng tự kiềm chế, bạn
có được nhiều nghị lực hơn để giải quyết tình huống đó.
“Hít thở.. tương ứng
với nghĩa vụ đối với cuộc sống của mỗi người”.
─ Luce Irigaray, triết gia.
2. Nhìn cả hai mặt Của
vấn đề – Chuyển từ trạng thái bị kích động sang chủ động.
“Đừng định kiến với bất
kỳ vấn đề gì. Đừng bị giam cầm bởi bất kỳ điều gì, Đạt đến sự tự do thật sự.”
─ Jeet
Kune
Bạn
có thể cảm thấy bị đối xử không công bằng hoặc là nạn nhân bởi những hành động
của một cá nhân khó chịu nào đó. Mặc dù những tình cảm đó có thể lý giải và
thông cảm được, nhưng chỉ tập trung vào “những gì mà đối tượng đó đang gây tổn
thương đến tôi” thì bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội có được một góc nhìn bao quát, đầy nghị
lực hơn. Bằng cách nhìn vào tình huống ở một góc độ rộng hơn, thì bạn có thể bắt
đầu khôi phục lại sự quân bình trong nội tâm, và giải quyết vấn đề ở thế chủ động
thay vì ở thế phản ứng.
Ví
dụ, khi bạn cảm thấy bị xúc phạm bởi lời nói hay hành động của một ai đó, thì
hãy tìm ra nhiều phương cách xem xét tình huống trước khi có phản ứng. Chẳng hạn
như, tôi có thể nghĩ rằng bạn tôi sẽ phớt lờ cuộc gọi của tôi, và tôi có thể
nghĩ đến khả năng là anh ta đang rất bận rộn. Khi chúng ta tránh xét đoán cá
nhân hành vi của người khác, thì chúng ta có thể cảm nhận được cách thể hiện của
họ một cách khách quan hơn. Con người thường làm việc gì đó vì bản thân họ hơn
là vì người khác. Mở rộng tầm nhìn vào các tình huống có thể giúp giảm thiểu khả
năng hiểu lầm.
Một
cách khác để giảm bớt sự xét đoán mang tính cá nhân là cố gắng đặt chúng ta vào
hoàn cảnh của người khó chịu, thậm chí chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Ví
dụ, hãy nghĩ đến người mà bạn đang đối mặt, và hoàn tất câu nói: “Thật không dễ…”
“Con
tôi thường hay kháng cự. Thật không dễ để cháu ứng phó với những áp lực ở trường
và xã hội của cháu …”
“Quản
lý của tôi yêu cầu rất khắt khe. Thật khó để đặt nhiều kỳ vọng vào trình độ quản
lý của bà ấy…”
“Đối
tác của tôi thật khó gần gũi. Thật không dễ dàng cho một người xuất thân từ một
gia đình mà không ai biểu lộ cảm xúc..”
Để
đảm bảo, những lời nói đồng cảm không thể bào chữa cho những hành vi không chấp
nhận được. Điểm quan trọng ở đây là nhằm lấy lại được sự thanh thản trong nội
tâm, bạn phải tự nhắc nhở mình rằng họ làm việc gì cũng vì bản thân họ. Miễn
sao chúng ta có lý lẽ và biết quan tâm đến cảm nhận của người khác, thì những
hành vi khó ưa của người khác sẽ tự tố cáo họ thay vì chúng ta. Bằng cách giảm
bớt sự xét đoán mang tính cá nhân, chúng ta có thể ít bị kích động hơn mà tập
trung toàn bộ năng lượng vào cách giải quyết vấn đề.
3. Duy trì trạng thái
quân bình – Mềm mỏng với đối tượng và kiên quyết với vấn đề.
“Mềm mỏng nhưng không
bị khuất phục. Kiên quyết nhưng không cứng nhắc.
─
Lý Tiểu Long
Trong
mỗi tình huống giao tiếp, có 2 yếu tố hiện diện: mối quan hệ với người đối diện
và vấn đề đang thảo luận. Một người giao tiếp hiệu quả biết cách phân biệt giữa
con người và vấn đề cần giao tiếp, mềm mỏng với người đối diện và kiên quyết với
vấn đề. Ví dụ:
“Tôi
muốn bàn luận về những điều bạn đang suy nghĩ, nhưng tôi không thể tiếp tục nếu
bạn cứ la lớn. Chúng ta hãy ngồi xuống và nói chuyện một cách bình tĩnh, hoặc tạm
thời ngưng bàn luận rồi quay trở lại vấn đề này vào trưa nay.”
“Tôi
rất cảm kích vì anh đã dành nhiều thời gian cho dự án này. Đồng thời, tôi thấy
rằng còn 3 yêu cầu vẫn chưa được hoàn tất. Chúng ta hãy thảo luận cách hoàn
thành kế hoạch đúng thời hạn nhé”.
“Tôi
thật sự muốn bạn cùng đi với tôi. Thật
không may, nếu bạn lại đến trễ như lần trước, thì tôi đành phải đi một mình vậy”.
Khi
bạn tỏ ra mềm mỏng với người đối diện, bạn có nhiều cơ hội để thổ lộ hết những
gì cần nói. Khi bạn kiên quyết với vấn đề, bạn chứng tỏ mình là người có nhiều
khả năng giải quyết vấn đề.
4. Mềm mại uyển chuyển như nước – Vận dụng tính khôi hài
“Trên thế gian này,
không có gì
mềm mại và uyển chuyển
như nước.
Nhưng cũng không có
gì sánh bằng nước
vì nước có thể làm lở
cả đất đá”.
─
Lão tử
Tính
hài hước là một công cụ giao tiếp rất hiệu quả.
Trước đây nhiều năm, tôi biết có một đồng nghiệp rất khó chịu. Ngày nọ, một trong số các đồng nghiệp của tôi
nói với người khó chịu đó “Xin chào, bạn khỏe chứ?” Và khi người đồng nghiệp
khó chịu đó phớt lờ lời chào, thì chẳng những cô ấy không giận, mà thay vào đó
cô ấy còn mỉm cười một cách tự nhiên và nói lời mang tính hài hước: “Đuối hả?”
Nhờ đó đã phá vỡ được hàng rào ngăn cách và hai người họ đã bắt đầu câu chuyện
một cách thân thiện. Thật thông minh.
Khi
được sử dụng một cách hợp lý, tính hài hước có thể làm cho sự thật thêm sáng tỏ,
giải trừ những hành vi khó ưa, và chứng tỏ bạn có được sự điềm tĩnh tuyệt vời.
5. Sử dụng sức mạnh như
cành tre – Vận dụng khả năng lập luận
“Có những lúc dường như
cần phải can thiệp một cách mạnh mẽ…Người lãnh đạo khôn ngoan sử dụng phương
cách này khi mọi giải pháp đều trở nên thất bại.”
─
Lão Tử
“Uốn cong nhẹ nhàng rồi
bạn lại bật dậy mạnh mẽ hơn trước”.
─
Lý Tiểu Long
Khả
năng xác định và quả quyết những lập luận là một trong những kỹ năng quan trọng
nhất mà chúng ta có thể sử dụng để “chinh phục” một người khó chịu. Lập luận rõ
ràng, ăn khớp, và hiệu quả sẽ làm cho nhân vật khó chịu phải ngập ngừng và bắt
buộc đối tượng này chuyển từ thái độ bất hợp tác sang hợp tác.
Tóm
lại, để biết cách ứng phó với những nhân vật khó chịu và vô lý thì phải biết thực
hành nghệ thuật tạo ảnh hưởng tích cực. Khi bạn vận dụng những kỹ năng này, bạn
có thể cảm thấy ít khổ sở hơn, tự tin hơn, có được các mối quan hệ tốt hơn, và
năng lực giao tiếp hữu hiệu hơn. Giờ đây, bạn có thể chủ động trong các mối
quan hệ .
Nguồn
(Sources):
www.psychologytoday.com
Post a Comment