(Web thú vị - Truyện ngắn) - Tôi biết thời gian có thể làm thay đổi nhiều thứ, kể cả những lời hứa hẹn. Tôi đã lên 11, nhưng ở cả khối lớp 10, không có ai trông giống Tèo cũng chẳng có Tèo mà tôi quen. Tôi buồn, nhưng người ta nói thời gian cũng chính là liều thuốc hữu hiệu để chữa lành mọi vết thương, tôi đợi vết thương này lành, vẫn đang đợi.
…
Nhà tôi ở giữa nhà Mèo và
Tèo. Mèo hơn tôi một tuổi còn Tèo kém tôi một tuổi. Chúng tôi là bộ ba
thích dầm mưa, dãi nắng cùng nhau, dĩ nhiên là không thể thiếu những trò
chơi mà con nít đứa nào cũng chơi, như: bắn bi, nhảy dây, nhảy lò cò,
nấu ăn đồ hàng… thậm chí là rủ nhau bẻ trộm ngô non để làm búp bê chơi.
Cái ngày xưa ấy, con trai chơi búp bê không bị coi là ẻo lả, con gái
chơi bắn bi cũng chẳng ai nói là cá tính, đơn giản vì chúng tôi chỉ là
con nít, những đứa con nít vô lo, vô nghĩ.
Tèo tuy nhỏ tuổi nhất, nhưng nó luôn tự
hào vì nhà nó có trước nhà tôi và nhà Mèo, sau đó nhà tôi mới chuyển đến
và cuối cùng là nhà Mèo. Nhưng cho đến khi người ta bắt gặp hai căn nhà
gỗ bé xíu nằm cạnh bên một ngôi nhà xây to nhất xóm thì cả tôi và Tèo
mới nhận ra: “Nhà thằng Mèo giàu nhất trong ba đứa mình!”
Tôi phải công nhận một điều, đó là cả
hai đứa Tèo và Mèo đều rất thích chơi với tôi. Cứ mỗi lần mẹ Tèo đi chợ
về mua chè, nó đều í ới gọi tôi qua khung cửa sổ phòng ngủ nhà tôi: “Cún ơi! Ăn chè không? Qua ăn chung với tao!”.
Nếu như bình thường, nó mà xưng với tôi là “tao” thì tôi sẽ quát thẳng
vào mặt nó rồi giận bỏ đi chơi với Mèo. Nhưng xét cho cùng, tôi cũng
chẳng thèm gọi Mèo là anh dù nó hơn tôi một tuổi, hơn nữa lại có chè ăn,
dại gì tôi giận Tèo. Thế là qua khung cửa sổ, tôi cố gắng tạo ra một nụ
cười thân thiện nhất, mắt nhìn chằm chằm vào bịch chè trên tay nó rồi
gật đầu tỏ vẻ: “Cũng được thôi!”.
Còn Mèo, trưa nào nó cũng thập thò trước
cổng nhà tôi, đợi tôi thừa dịp bố mẹ đã ngủ say thì lén ra ngoài với
nó. Đừng hiểu nhầm là chúng tôi đang hẹn hò nhé! Con nít thì biết gì hai
chữ “hẹn hò”, chỉ là nó đợi một đồng minh, gọi là tòng phạm cũng được
để đi làm những trò mà nó cho là thú vị. Nó dẫn tôi đến một quán bán
hàng tạp hóa nhỏ rồi nói sẽ cho tôi xem điều kỳ diệu. Sau một hồi đứng
thập thò bên cạnh quán, lúc chị chủ quán đã đi vào trong, nó ngồi xuống
rồi di chuyển, không quên ngoắc tay ra hiệu cho tôi đi theo. Tôi và nó
cúi lom khom, chui xuống dưới gầm sàn của quán. Trong khi tôi đang ngơ
ngác không hiểu chuyện gì thì nó quay lại, trên tay cầm một con búp bê
bằng nhựa nhỏ xinh, mắt nó long lanh đầy sung sướng. Tôi nhìn về hướng
tay nó chỉ, chao ôi, bao nhiêu là búp bê nhựa, đủ màu sắc đẹp đến mê
hồn. Hai đứa trở về sau khi đã thu gom hết những cô búp bê xinh xinh
dưới gầm sàn nhà người ta. Mãi sau này tôi mới biết, những thứ chúng tôi
coi như vật báu này lại chính là thứ người ta vứt đi, vì nó là đồ kèm
theo của một món bánh tôi chưa bao giờ được ăn. Nhưng hạnh phúc chưa
được bao lâu thì lại bị Mèo làm cho vỡ òa, chiến lợi phẩm là của chung,
nhưng hai đứa không thể cứ đứng ôm khư khư, thế là chúng tôi quyết định
chia đều. Tôi chỉ là một đứa nhỏ 6 tuổi và còn phải tính bằng cả hai
tay, hai chân. Thừa lúc tôi đang dơ chân ra tính để chia thì Mèo đã đặt
vào mũ của tôi 4 em búp bê, còn tôi thì không đếm được nó cầm bao nhiêu
con, nhưng đầy cả mũ. Tôi mếu máo nhìn theo nó và trong lòng thầm nghĩ
sẽ giận nó, qua chơi với Tèo.
Cái câu chuyện giận Mèo rồi qua chơi với
Tèo, giận Tèo lại sang chơi với Mèo cứ diễn ra như vòng quay trái đất,
cũng có những lúc tôi giận cả hai đứa. Nhưng chưa được nửa ngày, nỗi
buồn không tên đã tìm đến với tôi, nó làm tôi bứt rứt, khó chịu khắp cơ
thể. Tôi là đứa có nguyên tắc, đó là không bao giờ làm hòa trước, nhưng
cũng rất vị tha, chỉ cần người làm tôi giận nói lời xin lỗi hoặc chuộc
lỗi bằng một món quà vặt nào đấy, tôi sẽ suy nghĩ lại và mở cho nó một
lối thoát, ông bà ta có câu: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại” mà. Tất nhiên “không vào hang cọp làm sao bắt được cọp”, tôi
lại không thể phá bỏ nguyên tắc của mình nên cách hay nhất là cứ lảng
vảng trước mặt Mèo và Tèo, khiêu khích chúng bằng những trò chơi tôi tự
bịa ra, chúng sẽ tò mò mà xấn đến hỏi han, xin lỗi, chuộc tội với tôi.
Tình bạn bộ ba của chúng tôi cứ lúc nắng
lúc mưa như thế, cho đến khi tôi bắt đầu lên cấp 3, mọi chuyện đổi
khác. Tôi nhớ từ hồi chơi chung với Tèo và Mèo, tôi chỉ khóc đúng một
lần trước mặt hai đứa nó, đó là khi cùng nhau chơi nhảy dây, Tèo nhảy
hăng quá lao vào người tôi, làm tôi té nhào vấp mặt xuống sân, chảy máu
môi nên tôi khóc. Thế mà bây giờ, một đứa nữ sinh lớp 10 đang đứng trước
sân cầm tà áo dài lau nước mắt, bên canh tôi là hai đứa con trai cao
lớn – là Tèo và Mèo. Nhà Tèo sẽ chuyển đi, tức là không còn ở cạnh nhà
tôi nữa. Còn Mèo sẽ lên thành phố để học, mơ ước trở thành bác sĩ của nó
lớn lắm, nó phải học ở thành phố thì mới mong đậu vào trường y chứ chỉ
học ở trường huyện như tôi hay Tèo, có lẽ ước mơ của nó không thực hiện
nổi, nếu có thực hiện được thì cũng rất mong manh. Tôi hiểu, nhưng sao
tôi vẫn cứ khóc, dù tôi biết Tèo mà đi, sẽ không còn ai giựt tóc tôi bất
ngờ nữa, Mèo đi rồi, sẽ không ai gọi tôi là “đồ mỏ nhọn” nữa. Chỉ có
điều, tôi có khóc bao nhiêu lâu thì cũng không có sự thay đổi nào diễn
ra nữa, Tèo vẫn chuyển nhà và Mèo vẫn lên thành phố học.
- Mày yên tâm nha Cún, tao sẽ cố gắng
phấn đấu học tốt để vào trường cấp ba học chung với mày, tao không như
thằng Mèo lên tận thành phố học đâu. Bao giờ nhà tao mắc điện thoại bàn,
tao sẽ gọi cho mày.
Lúc nghe Tèo nói thế, tôi thầm giận Mèo
nhiều lắm. Nó vì ước mơ bỏ bạn bè, còn Tèo là vì bất đắc dĩ mới phải xa
tôi, nhưng Tèo đã hứa sẽ vào học chung cấp ba với tôi, đứa học 11, đứa
lớp 10 vẫn chơi với nhau được. Buổi chiều hôm ấy, sau khi lau sạch những
giọt nước mắt chia ly với Tèo, đang ngồi ủ rũ dưới gốc cây me trước
cổng, tôi thấy bóng dáng thân quen đi về phía mình, trong tay cầm một
cái hộp – là Mèo, nó đưa cho tôi cái hộp rồi cúi mặt thủ thỉ:
- Mai tao lên thành phố nhập học.
Chắc tao không về thường xuyên được, tại đường xa mà vào trường chuyên
nên phải học nhiều lắm, không chơi nhiều như mày được đâu.
Đến lúc này còn sỉ nhục tôi cho bằng được. Tôi vẫn nghe nó nói tiếp:
- Nhưng mà tao sợ mày nhớ tao nên tao cho mày cái này, tám con búp bê hồi xưa tao với mày kiếm được rồi chia ra đấy.
Tức là 12 con búp bê, mà nó chỉ đưa tôi 4 con, tôi lườm nó một phát làm nó đỏ bừng hai tai. Nó tiếp tục hứa hẹn:
- Tao mà vào được đại học Y, nhất định sẽ mua tặng mày một con chó bông thật to, cho mày ôm không hết! Tao nói thật đấy.
Bỗng tôi òa khóc, đôi mắt đã sưng lên vì
khóc cho Tèo giờ lại trở thành không thấy Tổ Quốc đâu vì nó. Tôi nhớ
mỗi lần sinh nhật tôi, Mèo thường tặng tôi những con chó bông nhỏ bằng
nắm tay, và lúc nào tôi cũng bữu môi, nhọn mỏ chê quà nhỏ, xấu. Giờ chó
lớn tôi cũng chẳng cần, nhưng cũng không thể vì lòng tham của mình mà
ngăn cản ước mơ của nó, tôi ngậm ngùi lau nước mắt, gật đầu cho Mèo biết
rằng tôi đồng ý với những gì nó nói. Chia tay Mèo, tôi không khóc nổi
nữa, chỉ thấy mệt và trong lòng thì đang ôm những niềm hy vọng… mong
manh.
Tôi biết thời gian có thể làm thay đổi
nhiều thứ, kể cả những lời hứa hẹn. Tôi đã lên 11, nhưng ở cả khối lớp
10, không có ai trông giống Tèo cũng chẳng có Tèo mà tôi quen. Tôi buồn,
nhưng người ta nói thời gian cũng chính là liều thuốc hữu hiệu để chữa
lành mọi vết thương, tôi đợi vết thương này lành, vẫn đang đợi.
Ngày Mèo đậu đại học Y với số điểm cao,
cả nhà nó mừng lắm, mở tiệc mời mọi người đến chung vui. Nhà nó đã làm
hàng rào, chỉ đi vào bằng cổng chính chứ không thể đi tắt ngang bên hông
nhà như hồi trước nữa. Tôi đứng bên sân nhà, nhìn nó cầm ly uống mừng
với bạn bè ở thành phố được mời về, nhưng nó không để ý có một con bé
đang nhìn theo nó, chỉ mong nó nhìn lại. Tôi dụi dụi mắt, cứ nghĩ có rất
nhiều bụi đang bay vào mắt mình chứ không phải tôi đang khóc. Đêm hôm
ấy, tôi cầm chiếc hộp hồi trước Mèo đưa tôi, trong đó có đủ 12 con búp
bê nhựa, đặt trước cổng nhà nó, cứ như đang hy vọng níu kéo một điều gì
đó đã xa, xa lắm.
Đêm. Một cơn mưa chợt ghé ngang qua, cuốn trôi nước mắt của những cô búp bê đủ sắc màu.
GreenStar
Post a Comment